10 gian thần nổi danh trong lịch sử Trung Quốc
1:Bá Bì
- Cho tới nay, câu chuyện “nếm mật nằm gai” và chiến thắng của Việt Vương Câu Tiễn trước Ngô Vương Phù Sai vẫn được coi là bài học về sự nhẫn nhục và quyết tâm. Tuy nhiên, có lẽ ít người biết rằng, làm nên chiến thắng của Việt Vương Câu Tiễn có một phần “đóng góp” không nhỏ của vị quan thái tể của nước Ngô, người được Phù Sai rất tin tưởng – Bá Bì….
Tham công tự phụ
Bá Bì là cháu của danh thần nước Sở là Bá Châu Lê, phụ thân là Khích Uyển, làm chức Hữu doãn cho Sở Vương. Khích Uyển làm quan liêm chính, hiền minh do vậy được nhân dân yêu quý. Tuy nhiên, cũng vì thế mà Khích Uyển bị không ít người ganh ghét, đố kỵ. Cuối cùng Khích Uyển bị đại thần nước Sở là Phí Vô Cực ám hại, cả nhà phải chịu tội chết. Bá Bì là người duy nhất thoát chết, chạy sang nước Ngô lánh nạn.
Tại nước Ngô, Bá Bì làm quen với Ngũ Tử Tư, một người nước Sở cũng đang lánh nạn tại đây. Gia đình Ngũ Tử Tư cũng bị Phí Vô Cực sát hại do vậy, Ngũ Tư Tư rất đồng cảm với Bá Bì, quyết định giới thiệu Bá Bì với Ngô Vương là Hạp Lư.
Hạp Lư rất vui mừng, sửa soạn yến tiệc chiêu đãi Bá Bì. Tại bữa tiệc, thấy Hạp Lư quá vội tin Bá Bì, đại thần nước Ngô là Bị Ly rất lo, tìm đến hỏi Ngũ Tử Tư: “Ông thấy Bá Bì có đáng tin không?” Ngũ Tư Tư đáp: “Ta và Bá Bì có mối thù chung. Nay ta giúp ông ấy có gì là kỳ quái đâu”.
Bị Ly nghe Ngũ Tư Tư nói vậy thì buồn bã lắc đầu nói với Ngũ Tư Tư: “Ông chỉ nhìn thấy bề ngoài mà không nhìn bên trong. Tôi thấy Bá Bì là kẻ tham lam, tiểu nhân, nếu như trọng dụng ông ta thì e là sau này ông cũng bị liên lụy”.
Ngũ Tử Tư cho rằng Bị Ly ghen ghét với Bá Bì nên mới nói như vậy, nhất định không chịu nghe theo lời khuyên giải của Bị Ly. Cuối cùng nhờ sự tiến cử của Ngũ Tử Tư, Ngô Vương Hạp Lư đã quyêt định giữ Bá Bì, phong làm Đại phu cùng với Ngũ Tử Tư bàn bạc những chuyện quốc sự của nước Ngô.
Ngũ Tư Tư không ngờ được rằng những gì xảy ra sau đó đúng như những gì Bị Ly đã nói. Sau 30 năm ở tại nước Ngô, Bá Bì trở thành một kẻ tham tàn, lộng quyền cuối cùng quay trở lại hại chết chính ông ta. Đương nhiên, vào thời điểm lúc bấy giờ, Bá Bì vẫn chưa chắc chân ở nước Ngô, do vậy, bản chất cũng chưa bộc lộ rõ. Lúc này, cả Bá Bì lẫn Ngũ Tử Tư chỉ một lòng muốn vua nước Ngô xuất quân đánh nước Sở, một trận rửa sạch thù nhà vì vậy, mọi việc đều rất tâm đầu ý hợp.
Tới năm 506 trước Công nguyên, Ngô Vương Hạp Lư quyết định thuận theo thỉnh cầu của Ngũ Tử Tư và Bá Bì xuất quân đánh nước Sở. Tôn Vũ được phong làm đại tướng, Tử Tư và Bá Bì làm phó tướng, kéo đại quân đánh sang tận Sính Đô của nước Sở (nay là Giang Lăng, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Nước Sở thua to, không còn cách nào khác đành phải bỏ Sính Đô chạy sang đất Nhược định đô lánh nạn. Uy danh của nước Ngô nhờ vậy mà chấn động cả vùng Trung Nguyên.
Trong lúc nước Sở nguy cấp, một đại thần nước Sở là Bao Tư chạy sang nước Tần cầu cứu. Ban đầu vua Tần không đồng ý giúp, Bao Tư quỳ trước triều đình nước Tần khóc ròng bảy ngày bảy đêm. Cuối cùng, vua Tần cảm đồng, đồng ý đưa quân sang cứu nước Sở. Chỉ trong vòng 6 tháng, liên minh Tần Sở đã đánh bại quân Ngô, đẩy lui quân Ngô về nước.
Tôn Vũ, Tử Tư thấy nếu như Tần và Sở tiếp tục liên minh thì Ngô không có lợi nên khuyên Ngô Vương lấy lui làm tiến, giao hảo với nước Tần, rồi mới tiếp tục đánh Sở. Tuy nhiên, lúc bấy giờ Bá Bì tham lập công, đứng ra nói: “Quân ta từ khi rời khỏi kinh sư, thế như chẻ tre, đánh đâu thắng đây, nhuệ khí đang lên.
Nay vừa gặp quân Tần đã vội rút quân về thì sợ thiên hạ chê cười. Nay thần xin nhận một vạn quân ra đi, không đánh tan quân Tần quyết không trở về”. Hạp Lư nghe thấy Bá Bì nói vậy thì vui lắm, đồng ý để Bá Bì dẫn quân đi đánh quân Tần.
Bá Bì không chỉ tham công mà còn bất tài, do vậy, mới giao chiến chưa bao lâu, thế trận đã vỡ, đầu cuối không thể tiếp ứng cho nhau, bị quân Tần bao vây. Bá Bì sai quân lính tả xung hữu đột mở đường thoát song vẫn không được. Sau đó, may nhờ có Ngũ Tử Tư liệu trước sự việc mang quân tiếp viện đến cứu.
Người ta nói rằng, sau việc này, Tôn Vũ từng nói với Ngũ Tử Tư rằng: “Bá Bì là kẻ tự phụ tham công sau này tất sẽ thành mối họa cho nước Ngô. Chi bằng nhân việc hắn đánh trận bị thua, giết đi để trừ hậu hoạn”. Tuy nhiên, Ngũ Tử Tư nghĩ rằng Bá Bì và mình có cùng hoàn cảnh, Bá Bì tuy có tham công nhưng cũng là vì giúp cho quốc gia do vậy đã đứng ra xin Hạp Lư miễn tội chết cho Bá Bì.
Thông đồng nước Việt
Khi nước Ngô kéo quân đánh Sở thì một đối thủ khác của Ngô là nước Việt đã nhân cơ hội phát động cuộc chiến tranh tiêu diệt nước Ngô. Đây chính là cuộc chiến tranh Ngô – Việt nổi tiếng mà sử sách thường hay nhắc tới.
Vào năm 496 trước Công nguyên, nhân lúc quân Ngô dồn hết binh lực tấn nước Sở thì nước Việt thường xuyên đem quân quấy nhiễu. Ngô Vương Hạp Lư nổi giận bèn hạ lệnh đem quân tấn công nước Việt. Vua nước Việt lúc bấy giờ là Câu Tiễn đem quân nghênh chiến. Hai nước quyết chiến tại Huề Lý (nay thuộc Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang).
Vào trận, Câu Tiễn sai những kẻ liều chết xông lên tấn công quân Ngô. Khi tới gần quân Ngô những người đồng loạt rút dao đâm vào cổ tự sát. Trong lúc quân Ngô vẫn chưa hiểu có chuyện gì thì Câu Tiễn thúc quân xông lên tiêu diệt quân Ngô. Tướng quân nước Việt là Linh Cô Phù dùng kích đánh bị thương chân của Hạp Lư. Hạp Lư ra lệnh rút quân nhưng do vết thương quá nặng, đã chết cách Huề Lý chỉ 7 dặm.
Bá Bì trên phim
Hạp Lư qua đời, con trai là Phù Sai lên ngôi đã phong cho Bá Bì làm chức thái tể. Chức vụ này nắm giữ các công việc nội ngoại của vương gia, do có quan hệ mật thất với vương thất nên rất có quyền lực và dễ được tin dùng. Phù Sai quyết tâm báo thù cho cha, do vậy, tập trung toàn bộ sức lực cho việc chuẩn bị chiến tranh với nước Việt.
Để ghi nhớ mối thù với nước Việt, Phù Sai ra lệnh cho người cả ngày đứng ở trước cửa, mỗi lần thấy ông ta đi qua đều phải hỏi: “Phù Sai! Ngươi quên mối thù giết cha rồi chăng?” Mỗi lần như vậy, Phù Sai lại đáp rằng: “Ta làm sao quên được!”
Tới năm 494 trước Công nguyên, Ngô Vương Phù Sai thấy thời cơ đã chín muồi bèn huy động quân trong toàn quốc, phong cho Tử Tư làm đại tướng, Bá Bì làm phó tướng đem quân tấn công nước Việt. Quân Ngô trước khi ra trận đã thề rằng lấy cái chết báo thù cho tiên vương Hạp Lư, Ngô Vương Phù Sai lại đích thân lên mũi thuyền đánh trống khiến sĩ khí quân Ngô hừng hực.
Trước sức tấn công như vũ bão của quân Ngô, quân Việt nhanh chóng bị đánh bại. Việt Vương Câu Tiễn chỉ còn 500 binh lính chạy tới cố thủ ở Cối Kê (nay là Thiệu Hưng, Chiết Giang). Sự tồn vong của nước Việt như ngàn cân treo sợi tóc.
Trong hoàn cảnh ấy, Câu Tiễn không còn cách nào khác đành phải dâng thư cầu hòa. Phù Sai nghe sứ giả của Câu Tiễn là Văn Chủng nói bùi tai, đã định nhận lời cầu hòa. Tuy nhiên, Ngũ Tử Tư đứng ra nói: “Đại vương, lần đánh bại nước Việt lần này là ý trời muốn trao nước Việt cho nước Ngô, tuyệt đối không nền chấp nhận cầu hòa”. Phù Sai được Tử Tư cảnh tỉnh, không chấp nhận cầu hòa nữa. Văn Chủng thấy vậy, đành phải quay về báo lại với Câu Tiễn.
Câu Tiễn nghe thấy vậy, định trước giết vợ con, đốt hết cung điện, sau đó sẽ quyết một trận sống mai với quân Ngô. Đúng lúc đó, Văn Chủng lại đứng ra hiến kế nói: “Quan thái tể của nước Ngô là Bá Bì là kẻ tham tài tham sắc, đố kỵ người hiền, mặc dù cùng một triều, thờ một chúa nhưng lại không hợp với Ngũ Tử Tư. Ngô Vương sợ Tử Tư nhưng lại tin dùng Bá Bì.
Vì vậy, nếu như có thể dùng tài vật mà mua chuộc được Bá Bì, nhờ ông ta nói giúp thì việc cầu hòa có thể thành được”. Câu Tiễn nghe xong cho là phải bèn ra lệnh chọn mỹ nữ vàng bạc châu báu cho Văn Chủng mang tới gặp Bá Bì.
Ban đầu khi nghe Văn Chủng muốn gặp, Bá Bì không muốn gặp nhưng khi nghe Văn Chủng mang theo rất nhiều mỹ nữ và lễ vật thì lập tức cho vào. Văn Chủng vừa bước vào trong trướng, đã quỳ xuống nói: “Vua nước tôi là Câu Tiễn, tuổi còn nhỏ lại vô tri nên đã mắc tội với Ngô Vương.
Nay, Việt Vương nguyện xưng thần với nước Ngô nhưng chỉ sợ Ngô Vương không đồng ý nên cố ý sai Văn Chủng tới gặp thái tể, mong thái tể có thể nói vài câu tốt đẹp cho Câu Tiễn trước mặt Ngô Vương”. Nói xong, Văn Chủng dâng danh sách lễ vật lên cho Bá Bì xem.
Bá Bì nay đã là không còn là người thanh niên lập chí báo thù nước Sở năm xưa mà đã trở thành quan thái tể, đứng đầu trăm quan nước Ngô vì vậy, bản chất tham tài tham sắc cũng bắt đầu lộ rõ. Khi thấy Văn Chủng dâng lễ vật với vô số vàng bạc châu báu và mỹ nữ, mắt của Bá Bì đã sáng lên. Mặc dù vậy, Bá Bì vẫn làm ra vẻ đường hoàng nói: “Một khi nước Việt bị phá thì sợ gì những của cải này không thuộc về nước Ngô?
Ngươi chỉ có chút lễ vật nhỏ nhoi này thì đừng nghĩ đến chuyện mua chuộc ta”. Văn Chủng biết rằng, Bá Bì là kẻ tham lam nên cứng rắn nói: “Quân Việt tuy bại nhưng vẫn còn vài ngàn tinh binh, vẫn có thể kháng cự. Hơn nữa, một khi nước Việt bại thì Việt Vương sẽ đốt sạch cung điện kho tàng, quân thần chạy sang nước Sở, Ngô Vương chắc chắn sẽ không thu được gì?
Ngay cả khi quân Ngô có thu được của cải của nước Việt thì phần lớn đều được đưa vào cung của Ngô Vương, thái tể ngài thì được bao nhiêu?” Tiếp đó, Văn Chủng lại kể ra những điểm có lợi cho Bá Bì nếu việc nghị hòa thành công: “Nếu như nghị hòa thành, Việt Vương sẽ không phải nương thân ở Ngô Vương mà chính là cậy nhờ thái tể.
Vì vậy, tất cả những cống nạp của Việt Vương cho nước Ngô đều phải kinh qua chỗ của thái tể rồi mới vào cung. Vậy thái tể có thể một mình lựa chọn tài vật của nước Việt”. Những lời nói của Văn Chủng đã khiến Bá Bì như bị mê muội, sai mở tiệc chiêu đãi Văn Chủng đồng thời nhận lời nói giúp để Phù Sai nhận lời cầu hòa của nước Việt.
Tàn hại lương thần
Sau khi được Bá Bì nói giúp, Ngô Vương Phù Sai chấp nhận lời cầu hòa của Việt Vương. Vì vậy, đến năm 492 trước Công nguyên, Câu Tiễn cùng đại thần là Phạm Lãi dẫn theo 300 người tới nước Ngô để “bày tỏ lòng thành” muốn làm thần tử của mình mà thực chất là làm con tin. Tuy nhiên, ngay khi tới nước Ngô, Việt Vương Câu Tiễn đã gặp phải nguy hiểm khi Ngũ Tử Tư khuyên Phù Sai nhân cơ hội này mà giết Câu Tiễn.
Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Câu Tiễn đưa mắt nhìn Bá Bì. Bá Bì thấy Câu Tiễn nhìn mình thì giật nảy mình. Y vốn nghĩ rằng, nhận lễ vật của Văn Chủng rồi chỉ cần nói vài câu để việc nghị hòa thành công là có thể gối cao đầu hưởng thụ gái đẹp và bạc vàng. Điều Bá Bì không ngờ tới đó là tên Câu Tiễn ngu ngốc này lại tự đòi tới nước Ngô làm nô bộc cho Ngô Vương.
Nay Câu Tiễn trong tình thế nguy hiểm, đưa mắt đòi ông ta phải ra tay cứu giúp, liệu có thể khoanh tay đứng nhìn được không? Lỡ như Câu Tiễn trong lúc vùng vẫy tìm đường sống lại nói ra chuyện đã đưa lễ vật hối lộ cho mình thì tiền bạc chẳng những không giữ được mà cái mạng cũng khó bảo toàn. Nghĩ vậy, Bá Bì bèn đứng ra khuyên Phù Sai không nên giết Câu Tiễn để tỏ cái uy của một đại vương.
So với cách của Tử Tư thì giải pháp của Bá Bì đương nhiên vẫn đường hoàng hơn rất nhiều. Vì thế Phù Sai đã đồng ý để Câu Tiễn sống và làm nô bộc trong hoàng cung của mình. Như vậy, trong suốt 3 năm sau đó, Câu Tiễn tận tụy làm nô bộc cho Phù Sai. Ban đầu, Phù Sai vẫn đề phòng Câu Tiễn, thường xuyên lên cao theo dõi mọi hành động của vua tôi Câu Tiễn, tuy nhiên, không hề phát hiện ra dấu hiệu gì lạ.
Ngô Vương vui lắm, nói với Bá Bì rằng: “Việt Vương quả là người có khí tiết. Đại thần Phạm Lãi cũng là một kẻ sĩ đáng khen. Mặc dù lâm vào cảnh khốn khó nhưng cả hai vẫn không quên cái lễ nghĩa vua tôi. Ta thật thấy thương cho họ”.
Bá Bì nghe thấy Ngô Vương nói vậy thì lại lo lắng: Một ngày mà Câu Tiễn còn chưa về nước thì việc nhận hối lộ của y vẫn có thể bị phơi bày. Vì vậy Bá Bì lại thông đồng với Câu Tiễn và Phạm Lãi tìm mọi cách để thuyết phục Phù Sai thả Câu Tiễn về nước. Cuối cùng, tới năm 489 trước Công nguyên, Phù Sai đã đồng ý để vua tôi Câu Tiễn trở về nước Việt.
Ở nước Ngô, Bá Bì là một đại tham quan, lại mắc tội thông đồng với kẻ địch là nước Việt, do vậy, Bá Bì rất sợ tội trạng của mình bị phát hiện. Trong triều đình nước Ngô lúc bấy giờ, người Bá Bì sợ nhất đương nhiên là Ngũ Tử Tư.
Ngũ Tử Tư là người thẳng thắn, liêm chính, công tư phân biệt rất rõ ràng vì vậy, một khi để Tử Tư phát hiện ra rằng Bá Bì thông đồng với Câu Tiễn để giúp họ nghị hòa, sau đó lại giúp Câu Tiễn thoát về nước thì chắc chắc Tử Tư sẽ không tha cho ông ta. Vì thế, Bá Bì bắt đầu tìm cách loại bỏ Tử Tư.
Lại nói, kể từ sau khi Ngô Vương Phù Sai chiến thắng nước Ngô thì cho rằng, từ nay về sau không phải lo lắng gì nữa, bèn nghĩ tới chuyện dẫn quân vào Trung Nguyên so cao thấp với nước Tề, nước Tấn. Vì vậy, vào năm 485 trước Công nguyên, Ngô Vương Phù Sai sai Từ Thừa dẫn quân tấn công nước Tề song không thu được thắng lợi. Năm sau đó, Phù Sai lại liên hợp với nước Lỗ tấn công Tề.
Ngũ Tử Tư thấy vậy bèn khuyên: “Câu Tiễn không quên thù xưa, vẫn đang luyện tập binh lính, tích trữ lương thực chờ thời cơ tấn công nước Ngô. Nay đại vương đẹp quân chính chiến liên miên, một khi quân Việt kéo tới sẽ trở tay không kịp”. Ngô Vương không nghe lời can gián của Tử Tư, vẫn quyết đem quân tấn công nước Tề. Lần này, quân Tề bị đánh bại, Phù Sai chiến thắng trở về nước Ngô. Kể từ đó, Phù Sai bắt đầu không còn tin tưởng Ngũ Tử Tư nữa.
Tranh thủ thời cơ, Bá Bì lại nói xấu Tử Tử với Ngô Vương rằng: “Tử Tư là kẻ hung bạo, thiếu ân đức, đố kỵ người tài. Trước đây ông ta khuyên đại vương không nên đánh nước Tề, đại vương không nghe theo cuối cùng vẫn đánh bại nước Tề, Ngũ Tư Tử vì thế đem lòng oán giận, lại còn đem con gửi sang nước Tề nhờ người nuôi hộ, rõ ràng là có ý làm phản.
Vì vậy, xin đại vương mau mau tìm cách trừ bỏ Tử Tư để tránh họa hại về sau”. Thực tế, Ngũ Tử Tư gửi con sang nước Tề chỉ để bảo toàn con cháu của mình chứ không có ý làm phản. Tuy nhiên, những lời nói của Bá Bì thì dương như đó lại là một bằng chứng rất xác đáng. Trong cơn tức giận, Phù Sai đã ra lệnh giết chết Ngũ Tư Tư.
Sau khi Ngũ Tử Tư chết, đầu năm 483 TCN, Phù Sai họp chư hầu ở Hoằng Trì, muốn tranh ngôi bá chủ của nước Tấn. Trong khi hội chư hầu chưa xong thì tháng 6 năm đó, Câu Tiễn nhân lúc nước Ngô không có người trấn giữ mang quân đánh úp nước Ngô. Thế tử nước Ngô là Hữu ra cự bị quân Việt bắt sống và tự sát.
Quân Việt tiến vào nước Ngô. Phù Sai mang quân về nước chống trả quân Việt, tuy nhiên, quân Ngô theo Phù Sai đi đường xa mỏi mệt, bị quân Việt đánh bại. Phù Sai phải mang nhiều của cải sai sứ sang giảng hòa với nước Việt. Câu Tiễn cho giảng hòa.
Năm 478 TCN, Câu Tiễn lại mang quân đánh Ngô. Hai bên giáp trận ở Lập Trạch, quân Ngô đại bại. Năm 476 TCN, Câu Tiễn lại tấn công đánh bại Ngô lần thứ ba. Năm 475 TCN, Câu Tiễn lại mang quân đánh, vây nước Ngô. Đến tháng 11 năm 473 TCN, quân Việt đại phá quân Ngô.
Phù Sai sau nhiều lần bại trận không còn khả năng kháng cự, xin quy phục như nước Việt trước đây. Câu Tiễn mềm lòng định chấp nhận nhưng Phạm Lãi can không nên. Vì vậy Phù Sai phải đâm cổ tự sát. Sau khi tiến vào thành Cô Tô, Câu Tiễn đã ra lệnh bắt và giết chết Bá Bì.