Những người đàn bà độc ác nhất lịch sử - Hoàng hậu độc dược

- Cực kỳ xinh đẹp, tuyệt đỉnh thông minh và sục sôi tham vọng, đó là Julia Agrippina, hoàng hậu, hoàng thái hậu La Mã. Bà nổi tiếng không kém người con – hoàng đế Nero, người bị coi là bạo chúa vì đã ra lệnh tàn sát người Thiên chúa giáo.
Dòng dõi các đại đế
Agripina là con một trong những gia đình quyền lực nhất La Mã bấy giờ. Mẹ cô thuộc dòng dõi hoàng đế Augustus. Còn cha cô chẳng những là hậu duệ của danh tướng Mark Antony (tình nhân của nữ hoàng Ai Cập Cleopatra) và cũng có họ hàng với hoàng đế Augustus, mà còn là con cháu của một vị nữ hoàng. Bản thân ông được bác mình là hoàng đế  Tiberius nhận làm con và chọn làm người kế vị ngai vàng.
Sau cái chết đột ngột của cha, Agrippina lớn lên trong sự chăm sóc của mẹ và bà cố, những mệnh phụ phu nhân quyền lực nhất La Mã. Năm 13 tuổi, nàng được hoàng đế Tiberius (bác ruột, và là bố nuôi của cha cô) gả cho Gnaeus Domitius Ahenobarbus. Họ có một người con trai là Lucius Domitius Ahenobarbus, người sau này sẽ trở thành  hoàng đế Nero.
Khi hoàng đế Tiberius qua đời, anh ruột của Agrippina vì là con trai của người kế vị nên được nối ngôi. Đó là hoàng đế Caligula. Địa vị của nàng trở nên cao vòi vọi bởi tân hoàng đế cực kỳ sủng ái ba cô em gái của mình. Ngoài việc ban cho các em vô số đặc quyền đặc lợi, ông vua trẻ còn làm một chuyện chưa từng có: cho khắc hình ba em gái cùng với mình trên đồng tiền mới.
Và ngoài ra, các thần dân La Mã còn phải thêm cả ba vị hoàng muội này vào lời tung hô hay lời  thề tận trung với nhà vua: “Muôn năm hoàng đế và các hoàng muội”,  “Tôi xem sự an toàn của hoàng đế và các em gái ngài quan trọng hơn mạng sống của tôi và con cái tôi”…
Sự ưu ái này lớn đến nỗi người La Mã đồn ầm lên rằng có chuyện loạn luân giữa vua Caligula và các cô em gái, rằng trong các buổi tiệc tùng, nhà vua đã có hành vi thác loạn với các em mình ngay trong hoàng cung. Tuy nhiên, lòng yêu quý của các bậc đế vương rất sớm nắng chiều mưa.
Không biết đã làm gì để mếch lòng anh trai mà chỉ sau một năm, Agrippina đã bị thất sủng. Vì thế, hai năm sau khi anh trai lên ngôi, nàng đã tham gia vào vụ mưu sát hoàng đế Caligula để đưa người anh rể Lepidus lên ngai vàng. Chuyện bất thành, Lepidus bị giết, còn hoàng muội Agrippina bị đày ra một hòn đảo, phải tự mò tìm hải miên để sống, toàn bộ gia sản bị tịch biên. Con trai nàng bị tước quyền thừa kế và giao cho người cô là Domitia nuôi.
Hai lần tái giá
Đầu năm 40, Caligula cùng vợ con bị sát hại, chú ruột của ông ta là Claudius lên ngôi. Sau một năm lưu đày, Agrippina được hoàng đế mới cho phép trở về La Mã với đứa con trai đã được phục hồi quyền thừa kế. Lúc này, chồng nàng đã chết. Để khỏi chịu cảnh phòng the lạnh lùng, nàng tìm cách quyến rũ một nhà quý tộc tên là Galba nhưng không thành, thậm chí phải chịu nhục khi bị mẹ vợ ông ta lăng nhục và tát vào mặt ngay trước mặt nhiều vị phu nhân khác.
Agrippina không phải cô đơn lâu, bởi hoàng đế đã thu xếp cho chồng của Domitia (người cô đã nuôi nấng con trai nàng), một người rất có thế lực,  ly dị để cưới nàng. Sử sách không nói đến chuyện cặp đôi này có yêu đương nồng thắm hay không, chỉ biết rằng chỉ ít lâu sau, vào năm 47, người chồng cực kỳ giàu có này đột tử. Người ta cho rằng chính Agrippina đã dùng thuốc độc để hạ sát chồng bởi sau đó, nàng trở thành chủ sở hữu lãnh địa rộng lớn cùng tài sản khổng lồ.
Agrippina được cho là bậc thầy trong chuyện ám sát bằng nấm độc.
Năm 49, góa phụ xinh đẹp 34 tuổi Agrippina trở thành hoàng hậu La Mã, vợ của chính chú ruột mình, sau khi người vợ trước của ông bị xử tử. Ở La Mã, cuộc hôn nhân này bị xem là loạn luân và vấp phải nhiều sự phản đối, nhưng vẫn được tiến hành. Người ta cho rằng đó là cuộc hôn nhân chính trị nhằm kết hợp hai nhánh của vương thất Claudius.
Nhưng những ân huệ mà người chồng mới ban cho và cách Agrippina “dắt mũi” chồng để thực hiện tham vọng tàn bạo của mình cho thấy, nàng thực sự được sủng ái. Ngoài việc được nhận danh hiệu Augusta, vốn chưa từng được ban cho quý bà nào có chồng còn sống, nàng còn được lấy tên đặt cho một thuộc địa của La Mã.
Với mấy đời vợ trước, hoàng đế Claudius đã có khá nhiều con, trong đó có một con trai còn sống là Britannicus. Ấy thế mà Agrippina vẫn thuyết phục được nhà vua nhận con riêng của mình làm người kế vị. Để đảm bảo ngai vàng cho con mình trong tương lai, nàng thẳng tay diệt trừ tất cả những người cản trở, bằng đủ thủ đoạn vu cáo, hãm hại. Các đối thủ của nàng kẻ bị giết, người bị tịch biên gia sản và lưu đày, người uất ức tự sát.
Vị hoàng hậu ghê gớm của La Mã còn cưới bằng được công chúa Claudia Octavia, con riêng của hoàng đế Claudius, cho con trai mình, bằng cách vu cáo chàng trai đã đính hôn với Octavia, khiến anh ta phải tự sát. Anh ruột của anh ta vì âm mưu trả thù cho em cũng bị giết nốt.
Với cậu con riêng của chồng, Britannicus, hoàng hậu không những làm cho vị hoàng tử này mất quyền kế vị mà còn ly gián khiến cậu bị cha ghẻ lạnh. Những người giúp đỡ Britannicus cũng bị tiêu diệt. Rồi đến lúc, hoàng đế Claudius dường như cũng nhận ra mình sai lầm khi quá sủng ái Agripina. Ông có dấu hiệu muốn khôi phục lại quyền kế vị cho đứa con ruột của mình.
Nhưng cái chết đột ngột khiến nhà vua chẳng kịp làm gì. Người ta cho rằng chính Agrippina đã đầu độc Claudius bằng món nấm trong bữa tiệc nhằm loại bỏ nguy cơ cho tương lai của hai mẹ con. Con trai nàng, Nero, trở thành hoàng đế La Mã khi mới 17 tuổi.
Bị chính con trai giết hại
Trở thành hoàng thái hậu La Mã ở tuổi 39, tưởng như quyền lực của Agripina trở thành tuyệt đối và không còn ai khống chế nổi bà nữa. Với tham vọng và kinh nghiệm của mình, bà muốn thao túng La Mã, muốn con trai nằm trong sự kiểm soát của mình. Nhưng Nero là một con sư tử non đầy sức mạnh.
Cùng với các cộng sự đắc lực, cậu nhanh chóng thu hẹp quyền lực của mẹ. Với người phụ nữ này, quyền lực là vấn đề tối thượng, vì thế mặc dù Nero là đứa con duy nhất, dù bà đã mất bao tâm cơ để đưa con lên ngôi, Agrippina vẫn ấp ủ một âm mưu mới: phế truất Nero và đưa “con bài” mới được bà bảo trợ lên ngai vàng, đó là Britannicus, đứa con riêng của chồng, từng bị bà triệt hạ. Nhưng Nero đã chứng minh rằng “hổ mẫu sinh hổ tử”, nhà vua đầu độc chết Britannicus.
Xung đột giữa hai mẹ con ngày càng lớn. Nero ra lệnh tước hết mọi tước vị của mẹ, giải tán đội cận vệ của bà, chặt hết vây cánh rồi đến năm 57 thì đuổi mẹ ra khỏi hoàng cung. Tại nơi an trí của mình, Agrippina thường xuyên bị người của Nero giám sát và gây sự.
Hai năm sau, mẹ của hoàng đế La Mã bị chính con trai mình sai người đâm chết. Nhiều tài liệu cho rằng, trước đó, Nero đã nhiều lần tổ chức ám sát mẹ bằng thuốc độc, bằng  các kịch bản đắm thuyền, trần nhà đổ… nhưng đều không thành, vì lúc thì Agripina kịp uống thuốc giải, khi thì bà tự bơi được vào bờ từ nơi đắm thuyền. Sở dĩ nhà vua phải giết mẹ vì biết rằng chừng nào bà còn sống, ông sẽ không thể ly dị Octavia để cưới người khác.
Tương truyền, Nero cũng có chút thương tâm trước cái chết của mẹ dù vẫn cho rằng đó là việc phải làm. Nhìn mặt bà trước khi đem hỏa táng, hoàng đế La Mã đã thẫn thờ rồi than rằng bà đẹp biết bao. Quả thật ở tuổi 44, Agrippina vẫn là một mệnh phụ tuyệt sắc. Sắc đẹp ấy, cùng với những hành động ghê gớm trong suốt cuộc đời đã khiến bà lưu danh sử sách mấy nghìn năm như một phù thủy của âm mưu và thuốc độc.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét