Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

(tập 1) .10 gian thần nổi danh trong lịch sử Trung Quốc

 10 gian thần nổi danh trong lịch sử Trung Quốc

1:Bá Bì
 - Cho tới nay, câu chuyện “nếm mật nằm gai” và chiến thắng của Việt Vương Câu Tiễn trước Ngô Vương Phù Sai vẫn được coi là bài học về sự nhẫn nhục và quyết tâm. Tuy nhiên, có lẽ ít người biết rằng, làm nên chiến thắng của Việt Vương Câu Tiễn có một phần “đóng góp” không nhỏ của vị quan thái tể của nước Ngô, người được Phù Sai rất tin tưởng – Bá Bì….
Tham công tự phụ
Bá Bì là cháu của danh thần nước Sở là Bá Châu Lê, phụ thân là Khích Uyển, làm chức Hữu doãn cho Sở Vương. Khích Uyển làm quan liêm chính, hiền minh do vậy được nhân dân yêu quý. Tuy nhiên, cũng vì thế mà Khích Uyển bị không ít người ganh ghét, đố kỵ. Cuối cùng Khích Uyển bị đại thần nước Sở là Phí Vô Cực ám hại, cả nhà phải chịu tội chết. Bá Bì là người duy nhất thoát chết, chạy sang nước Ngô lánh nạn.
Tại nước Ngô, Bá Bì làm quen với Ngũ Tử Tư, một người nước Sở cũng đang lánh nạn tại đây. Gia đình Ngũ Tử Tư cũng bị Phí Vô Cực sát hại do vậy, Ngũ Tư Tư rất đồng cảm với Bá Bì, quyết định giới thiệu Bá Bì  với Ngô Vương là Hạp Lư.
Hạp Lư rất vui mừng, sửa soạn yến tiệc chiêu đãi Bá Bì. Tại bữa tiệc, thấy Hạp Lư quá vội tin Bá Bì, đại thần nước Ngô là Bị Ly rất lo, tìm đến hỏi Ngũ Tử Tư: “Ông thấy Bá Bì có đáng tin không?” Ngũ Tư Tư đáp: “Ta và Bá Bì có mối thù chung. Nay ta giúp ông ấy có gì là kỳ quái đâu”.
Bị Ly nghe Ngũ Tư Tư nói vậy thì buồn bã lắc đầu nói với Ngũ Tư Tư: “Ông chỉ nhìn thấy bề ngoài mà không nhìn bên trong. Tôi thấy Bá Bì là kẻ tham lam, tiểu nhân, nếu như trọng dụng ông ta thì e là sau này ông cũng bị liên lụy”.
Ngũ Tử Tư cho rằng Bị Ly ghen ghét với Bá Bì nên mới nói như vậy, nhất định không chịu nghe theo lời khuyên giải của Bị Ly. Cuối cùng nhờ sự tiến cử của Ngũ Tử Tư, Ngô Vương Hạp Lư đã quyêt định giữ Bá Bì, phong làm Đại phu cùng với Ngũ Tử Tư bàn bạc những chuyện quốc sự của nước Ngô.
Ngũ Tư Tư không ngờ được rằng những gì xảy ra sau đó đúng như những gì Bị Ly đã nói. Sau 30 năm ở tại nước Ngô, Bá Bì trở thành một kẻ tham tàn, lộng quyền cuối cùng quay trở lại hại chết chính ông ta. Đương nhiên, vào thời điểm lúc bấy giờ, Bá Bì vẫn chưa chắc chân ở nước Ngô, do vậy, bản chất cũng chưa bộc lộ rõ. Lúc này, cả Bá Bì lẫn Ngũ Tử Tư chỉ một lòng muốn vua nước Ngô xuất quân đánh nước Sở, một trận rửa sạch thù nhà vì vậy, mọi việc đều rất tâm đầu ý hợp.
Tới năm 506 trước Công nguyên, Ngô Vương Hạp Lư quyết định thuận theo thỉnh cầu của Ngũ Tử Tư và Bá Bì xuất quân đánh nước Sở. Tôn Vũ được phong làm đại tướng, Tử Tư và Bá Bì làm phó tướng, kéo đại quân đánh sang tận Sính Đô của nước Sở (nay là Giang Lăng, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Nước Sở thua to, không còn cách nào khác đành phải bỏ Sính Đô chạy sang đất Nhược định đô lánh nạn. Uy danh của nước Ngô nhờ vậy mà chấn động cả vùng Trung Nguyên.
Trong lúc nước Sở nguy cấp, một đại thần nước Sở là Bao Tư chạy sang nước Tần cầu cứu. Ban đầu vua Tần không đồng ý giúp, Bao Tư quỳ trước triều đình nước Tần khóc ròng bảy ngày bảy đêm. Cuối cùng, vua Tần cảm đồng, đồng ý đưa quân sang cứu nước Sở. Chỉ trong vòng 6 tháng, liên minh Tần Sở đã đánh bại quân Ngô, đẩy lui quân Ngô về nước.
Tôn Vũ, Tử Tư thấy nếu như Tần và Sở tiếp tục liên minh thì Ngô không có lợi nên khuyên Ngô Vương lấy lui làm tiến, giao hảo với nước Tần, rồi mới tiếp tục đánh Sở. Tuy nhiên, lúc bấy giờ Bá Bì tham lập công, đứng ra nói: “Quân ta từ khi rời khỏi kinh sư, thế như chẻ tre, đánh đâu thắng đây, nhuệ khí đang lên.
Nay vừa gặp quân Tần đã vội rút quân về thì sợ thiên hạ chê cười. Nay thần xin nhận một vạn quân ra đi, không đánh tan quân Tần quyết không trở về”. Hạp Lư nghe thấy Bá Bì nói vậy thì vui lắm, đồng ý để Bá Bì dẫn quân đi đánh quân Tần.
Bá Bì không chỉ tham công mà còn bất tài, do vậy, mới giao chiến chưa bao lâu, thế trận đã vỡ, đầu cuối không thể tiếp ứng cho nhau, bị quân Tần bao vây. Bá Bì sai quân lính tả xung hữu đột mở đường thoát song vẫn không được. Sau đó, may nhờ có Ngũ Tử Tư liệu trước sự việc mang quân tiếp viện đến cứu.
Người ta nói rằng, sau việc này, Tôn Vũ từng nói với Ngũ Tử Tư rằng: “Bá Bì là kẻ tự phụ tham công sau này tất sẽ thành mối họa cho nước Ngô. Chi bằng nhân việc hắn đánh trận bị thua, giết đi để trừ hậu hoạn”. Tuy nhiên, Ngũ Tử Tư nghĩ rằng Bá Bì và mình có cùng hoàn cảnh, Bá Bì tuy có tham công nhưng cũng là vì giúp cho quốc gia do vậy đã đứng ra xin Hạp Lư miễn tội chết cho Bá Bì.
Thông đồng nước Việt
Khi nước Ngô kéo quân đánh Sở thì một đối thủ khác của Ngô là nước Việt đã nhân cơ hội phát động cuộc chiến tranh tiêu diệt nước Ngô. Đây chính là cuộc chiến tranh Ngô – Việt nổi tiếng mà sử sách thường hay nhắc tới.
Vào năm 496 trước Công nguyên, nhân lúc quân Ngô dồn hết binh lực tấn nước Sở thì nước Việt thường xuyên đem quân quấy nhiễu. Ngô Vương Hạp Lư nổi giận bèn hạ lệnh đem quân tấn công nước Việt. Vua nước Việt lúc bấy giờ là Câu Tiễn đem quân nghênh chiến. Hai nước quyết chiến tại Huề Lý (nay thuộc Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang).
Vào trận, Câu Tiễn sai những kẻ liều chết xông lên tấn công quân Ngô. Khi tới gần quân Ngô những người đồng loạt rút dao đâm vào cổ tự sát. Trong lúc quân Ngô vẫn chưa hiểu có chuyện gì thì Câu Tiễn thúc quân xông lên tiêu diệt quân Ngô. Tướng quân nước Việt là Linh Cô Phù dùng kích đánh bị thương chân của Hạp Lư. Hạp Lư ra lệnh rút quân nhưng do vết thương quá nặng, đã chết cách Huề Lý chỉ 7 dặm.
Bá Bì trên phim
Hạp Lư qua đời, con trai là Phù Sai lên ngôi đã phong cho Bá Bì làm chức thái tể. Chức vụ này nắm giữ các công việc nội ngoại của vương gia, do có quan hệ mật thất với vương thất nên rất có quyền lực và dễ được tin dùng. Phù Sai quyết tâm báo thù cho cha, do vậy, tập trung toàn bộ sức lực cho việc chuẩn bị chiến tranh với nước Việt.
Để ghi nhớ mối thù với nước Việt, Phù Sai ra lệnh cho người cả ngày đứng ở trước cửa, mỗi lần thấy ông ta đi qua đều phải hỏi: “Phù Sai! Ngươi quên mối thù giết cha rồi chăng?” Mỗi lần như vậy, Phù Sai lại đáp rằng: “Ta làm sao quên được!”
Tới năm 494 trước Công nguyên, Ngô Vương Phù Sai thấy thời cơ đã chín muồi bèn huy động quân trong toàn quốc, phong cho Tử Tư làm đại tướng, Bá Bì làm phó tướng đem quân tấn công nước Việt. Quân Ngô trước khi ra trận đã thề rằng lấy cái chết báo thù cho tiên vương Hạp Lư, Ngô Vương Phù Sai lại đích thân lên mũi thuyền đánh trống khiến sĩ khí quân Ngô hừng hực.
Trước sức tấn công như vũ bão của quân Ngô, quân Việt nhanh chóng bị đánh bại. Việt Vương Câu Tiễn chỉ còn 500 binh lính chạy tới cố thủ ở Cối Kê (nay là Thiệu Hưng, Chiết  Giang). Sự tồn vong của nước Việt như ngàn cân treo sợi tóc.
Trong hoàn cảnh ấy, Câu Tiễn không còn cách nào khác đành phải dâng thư cầu hòa. Phù Sai nghe sứ giả của Câu Tiễn là Văn Chủng nói bùi tai, đã định nhận lời cầu hòa. Tuy nhiên, Ngũ Tử Tư đứng ra nói: “Đại vương, lần đánh bại nước Việt lần này là ý trời muốn trao nước Việt cho nước Ngô, tuyệt đối không nền chấp nhận cầu hòa”. Phù Sai được Tử Tư cảnh tỉnh, không chấp nhận cầu hòa nữa. Văn Chủng thấy vậy, đành phải quay về báo lại với Câu Tiễn.
Câu Tiễn nghe thấy vậy, định trước giết vợ con, đốt hết cung điện, sau đó sẽ quyết một trận sống mai với quân Ngô. Đúng lúc đó, Văn Chủng lại đứng ra hiến kế nói: “Quan thái tể của nước Ngô là Bá Bì là kẻ tham tài tham sắc, đố kỵ người hiền, mặc dù cùng một triều, thờ một chúa nhưng lại không hợp với Ngũ Tử Tư. Ngô Vương sợ Tử Tư nhưng lại tin dùng Bá Bì.
Vì vậy, nếu như có thể dùng tài vật mà mua chuộc được Bá Bì, nhờ ông ta nói giúp thì việc cầu hòa có thể thành được”. Câu Tiễn nghe xong cho là phải bèn ra lệnh chọn mỹ nữ vàng bạc châu báu cho Văn Chủng mang tới gặp Bá Bì.
Ban đầu khi nghe Văn Chủng muốn gặp, Bá Bì không muốn gặp nhưng khi nghe Văn Chủng mang theo rất nhiều mỹ nữ và lễ vật thì lập tức cho vào. Văn Chủng vừa bước vào trong trướng, đã quỳ xuống nói: “Vua nước tôi là Câu Tiễn, tuổi còn nhỏ lại vô tri nên đã mắc tội với Ngô Vương.
Nay, Việt Vương nguyện xưng thần với nước Ngô nhưng chỉ sợ Ngô Vương không đồng ý nên cố ý sai Văn Chủng tới gặp thái tể, mong thái tể có thể nói vài câu tốt đẹp cho Câu Tiễn trước mặt Ngô Vương”. Nói xong, Văn Chủng dâng danh sách lễ vật lên cho Bá Bì xem.
Bá Bì nay đã là không còn là người thanh niên lập chí báo thù nước Sở năm xưa mà đã trở thành quan thái tể, đứng đầu trăm quan nước Ngô vì vậy, bản chất tham tài tham sắc cũng bắt đầu lộ rõ. Khi thấy Văn Chủng dâng lễ vật với vô số vàng bạc châu báu và mỹ nữ, mắt của Bá Bì đã sáng lên. Mặc dù vậy, Bá Bì vẫn làm ra vẻ đường hoàng nói: “Một khi nước Việt bị phá thì sợ gì những của cải này không thuộc về nước Ngô?
Ngươi chỉ có chút lễ vật nhỏ nhoi này thì đừng nghĩ đến chuyện mua chuộc ta”. Văn Chủng biết rằng, Bá Bì là kẻ tham lam nên cứng rắn nói: “Quân Việt tuy bại nhưng vẫn còn vài ngàn tinh binh, vẫn có thể kháng cự. Hơn nữa, một khi nước Việt bại thì Việt Vương sẽ đốt sạch cung điện kho tàng, quân thần chạy sang nước Sở, Ngô Vương chắc chắn sẽ không thu được gì?
Ngay cả khi quân Ngô có thu được của cải của nước Việt thì phần lớn đều được đưa vào cung của Ngô Vương, thái tể ngài thì được bao nhiêu?” Tiếp đó, Văn Chủng lại kể ra những điểm có lợi cho Bá Bì nếu việc nghị hòa thành công: “Nếu như nghị hòa thành, Việt Vương sẽ không phải nương thân ở Ngô Vương mà chính là cậy nhờ thái tể.
Vì vậy, tất cả những cống nạp của Việt Vương cho nước Ngô đều phải kinh qua chỗ của thái tể rồi mới vào cung. Vậy thái tể có thể một mình lựa chọn tài vật của nước Việt”. Những lời nói của Văn Chủng đã khiến Bá Bì như bị mê muội, sai mở tiệc chiêu đãi Văn Chủng đồng thời nhận lời nói giúp để Phù Sai nhận lời cầu hòa của nước Việt.
Tàn hại lương thần
Sau khi được Bá Bì nói giúp, Ngô Vương Phù Sai chấp nhận lời cầu hòa của Việt Vương. Vì vậy, đến năm 492 trước Công nguyên, Câu Tiễn cùng đại thần là Phạm Lãi dẫn theo 300 người tới nước Ngô để “bày tỏ lòng thành” muốn làm thần tử của mình mà thực chất là làm con tin. Tuy nhiên, ngay khi tới nước Ngô, Việt Vương Câu Tiễn đã gặp phải nguy hiểm khi Ngũ Tử Tư khuyên Phù Sai nhân cơ hội này mà giết Câu Tiễn.
Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Câu Tiễn đưa mắt nhìn Bá Bì. Bá Bì thấy Câu Tiễn nhìn mình thì giật nảy mình. Y vốn nghĩ rằng, nhận lễ vật của Văn Chủng rồi chỉ cần nói vài câu để việc nghị hòa thành công là có thể gối cao đầu hưởng thụ gái đẹp và bạc vàng. Điều Bá Bì không ngờ tới đó là tên Câu Tiễn ngu ngốc này lại tự đòi tới nước Ngô làm nô bộc cho Ngô Vương.
Nay Câu Tiễn trong tình thế nguy hiểm, đưa mắt đòi ông ta phải ra tay cứu giúp, liệu có thể khoanh tay đứng nhìn được không? Lỡ như Câu Tiễn trong lúc vùng vẫy tìm đường sống lại nói ra chuyện đã đưa lễ vật hối lộ cho mình thì tiền bạc chẳng những không giữ được mà cái mạng cũng khó bảo toàn. Nghĩ vậy, Bá Bì bèn đứng ra khuyên Phù Sai không nên giết Câu Tiễn để tỏ cái uy của một đại vương.
So với cách của Tử Tư thì giải pháp của Bá Bì đương nhiên vẫn đường hoàng hơn rất nhiều. Vì thế Phù Sai đã đồng ý để Câu Tiễn sống và làm nô bộc trong hoàng cung của mình. Như vậy, trong suốt 3 năm sau đó, Câu Tiễn tận tụy làm nô bộc cho Phù Sai. Ban đầu, Phù Sai vẫn đề phòng Câu Tiễn, thường xuyên lên cao theo dõi mọi hành động của vua tôi Câu Tiễn, tuy nhiên, không hề phát hiện ra dấu hiệu gì lạ.
Ngô Vương vui lắm, nói với Bá Bì rằng: “Việt Vương quả là người có khí tiết. Đại thần Phạm Lãi cũng là một kẻ sĩ đáng khen. Mặc dù lâm vào cảnh khốn khó nhưng cả hai vẫn không quên cái lễ nghĩa vua tôi. Ta thật thấy thương cho họ”.
Bá Bì nghe thấy Ngô Vương nói vậy thì lại lo lắng: Một ngày mà Câu Tiễn còn chưa về nước thì việc nhận hối lộ của y vẫn có thể bị phơi bày. Vì vậy Bá Bì lại thông đồng với Câu Tiễn và Phạm Lãi tìm mọi cách để thuyết phục Phù Sai thả Câu Tiễn về nước. Cuối cùng, tới năm 489 trước Công nguyên, Phù Sai đã đồng ý để vua tôi Câu Tiễn trở về nước Việt.
Ở nước Ngô, Bá Bì là một đại tham quan, lại mắc tội thông đồng với kẻ địch là nước Việt, do vậy, Bá Bì rất sợ tội trạng của mình bị phát hiện. Trong triều đình nước Ngô lúc bấy giờ, người Bá Bì sợ nhất đương nhiên là Ngũ Tử Tư.
Ngũ Tử Tư là người thẳng thắn, liêm chính, công tư phân biệt rất rõ ràng vì vậy, một khi để Tử Tư phát hiện ra rằng Bá Bì thông đồng với Câu Tiễn để giúp họ nghị hòa, sau đó lại giúp Câu Tiễn thoát về nước thì chắc chắc Tử Tư sẽ không tha cho ông ta. Vì thế, Bá Bì bắt đầu tìm cách loại bỏ Tử Tư.
Lại nói, kể từ sau khi Ngô Vương Phù Sai chiến thắng nước Ngô thì cho rằng, từ nay về sau không phải lo lắng gì nữa, bèn nghĩ tới chuyện dẫn quân vào Trung Nguyên so cao thấp với nước Tề, nước Tấn. Vì vậy, vào năm 485 trước Công nguyên, Ngô Vương Phù Sai sai Từ Thừa dẫn quân tấn công nước Tề song không thu được thắng lợi. Năm sau đó, Phù Sai lại liên hợp với nước Lỗ tấn công Tề.
Ngũ Tử Tư thấy vậy bèn khuyên: “Câu Tiễn không quên thù xưa, vẫn đang luyện tập binh lính, tích trữ lương thực chờ thời cơ tấn công nước Ngô. Nay đại vương đẹp quân chính chiến liên miên, một khi quân Việt kéo tới sẽ trở tay không kịp”. Ngô Vương không nghe lời can gián của Tử Tư, vẫn quyết đem quân tấn công nước Tề. Lần này, quân Tề bị đánh bại, Phù Sai chiến thắng trở về nước Ngô. Kể từ đó, Phù Sai bắt đầu không còn tin tưởng Ngũ Tử Tư nữa.
Tranh thủ thời cơ, Bá Bì lại nói xấu Tử Tử với Ngô Vương rằng: “Tử Tư là kẻ hung bạo, thiếu ân đức, đố kỵ người tài. Trước đây ông ta khuyên đại vương không nên đánh nước Tề, đại vương không nghe theo cuối cùng vẫn đánh bại nước Tề, Ngũ Tư Tử vì thế đem lòng oán giận, lại còn đem con gửi sang nước Tề nhờ người nuôi hộ, rõ ràng là có ý làm phản.
Vì vậy, xin đại vương mau mau tìm cách trừ bỏ Tử Tư để tránh họa hại về sau”. Thực tế, Ngũ Tử Tư gửi con sang nước Tề chỉ để bảo toàn con cháu của mình chứ không có ý làm phản. Tuy nhiên, những lời nói của Bá Bì thì dương như đó lại là một bằng chứng rất xác đáng. Trong cơn tức giận, Phù Sai đã ra lệnh giết chết Ngũ Tư Tư.
Sau khi Ngũ Tử Tư chết, đầu năm 483 TCN, Phù Sai họp chư hầu ở Hoằng Trì, muốn tranh ngôi bá chủ của nước Tấn. Trong khi hội chư hầu chưa xong thì tháng 6 năm đó, Câu Tiễn nhân lúc nước Ngô không có người trấn giữ mang quân đánh úp nước Ngô. Thế tử nước Ngô là Hữu ra cự bị quân Việt bắt sống và tự sát.
Quân Việt tiến vào nước Ngô. Phù Sai mang quân về nước chống trả quân Việt, tuy nhiên, quân Ngô theo Phù Sai đi đường xa mỏi mệt, bị quân Việt đánh bại. Phù Sai phải mang nhiều của cải sai sứ sang giảng hòa với nước Việt. Câu Tiễn cho giảng hòa.
Năm 478 TCN, Câu Tiễn lại mang quân đánh Ngô. Hai bên giáp trận ở Lập Trạch, quân Ngô đại bại. Năm 476 TCN, Câu Tiễn lại tấn công đánh bại Ngô lần thứ ba. Năm 475 TCN, Câu Tiễn lại mang quân đánh, vây nước Ngô. Đến tháng 11 năm 473 TCN, quân Việt đại phá quân Ngô.
Phù Sai sau nhiều lần bại trận không còn khả năng kháng cự, xin quy phục như nước Việt trước đây. Câu Tiễn mềm lòng định chấp nhận nhưng Phạm Lãi can không nên. Vì vậy Phù Sai phải đâm cổ tự sát. Sau khi tiến vào thành Cô Tô, Câu Tiễn đã ra lệnh bắt và giết chết Bá Bì.

Hồ sơ mật về nhân vật “Thần chết” của Đức Quốc xã

 - Như là cánh tay phải của Hitler trong những sứ mệnh nhạy cảm và khó khăn, luôn có mặt trong những khoảnh khắc quan trọng của Đế chế thứ ba, hắn là Reinhard Heydrich với những tội ác tày trời và luôn nằm trong mục tiêu cần phải trừ khử của quân đồng minh.
Một kế hoạch ám sát Heydrich đã được lập ra. Mới đây sử gia người Đức Robert Gerwarth lần đầu tiên công bố tiểu sử của Heydrich với nhiều chi tiết khá mới đã gây sự chú ý của nhiều người.
Ngày đền tội của kẻ được mệnh danh là quỷ dữ
Địa điểm chuẩn bị cho vụ ám sát đã được lên kế hoạch kỹ càng, đó là một con đường dốc thuộc quận Libe ở Prague, chính vì con đường dốc nên buộc xe cộ phải chạy chậm và vô hình chung tạo thuận lợi cho một vụ mưu sát. Đúng ngày đã định, một chiếc Mercedes tiến vào con đường cong, lúc đó là 10:30 phút sáng của ngày 27 tháng 5 năm 1942.
Trong xe, người tài xế ngồi cạnh ông chủ của mình, một trong những quan chức trung thành nhất của nhà độc tài Adolf Hitler. Người đàn ông có dáng người thanh mảnh, cao lớn với mái tóc vàng hoe và đôi mắt xanh biếc.
Người đàn ông đó không ai khác chính là Reinhard Heydrich, Chánh văn phòng an ninh chính của nền Đệ Tam đức quốc xã (RSHA), cơ quan này tuyên chiến với tất cả “kẻ thù của nền đệ Tam Đức quốc xã” cả bên trong và bên ngoài biên giới Đức, RSHA cũng là một trong những “địa ngục” gây nên vụ thảm sát dã man người Do Thái.
Chỉ vài tháng trước đó, Reinhard Heydrich đã chủ trì Hội nghị Wannsee ở Berlin, trong đó xoay quanh các kế hoạch rằng làm cách nào để loại trừ 6 triệu người, cũng đã được đem ra thảo luận. Cùng thời điểm đó, một trong những chiếc ghế khác mà Heydrich đang ngồi an vị chính là Phó bảo hộ của hai vùng Bohemia và Moravia, ngày nay 2 vùng này thuộc lãnh thổ của Cộng hoà Séc, tại hai nơi này Heydrich cai trị bằng bàn tay sắt của mình.
Vào những tuần sau khi đặt chân đến Bohemia và Moravia vào năm 1941, Heydrich đã ra lệnh thủ tiêu hơn 400 người với lý do muốn “không gian yên tĩnh”… Và sự độc ác của Heydrich cũng có ngày phải đền tội. Tất cả đang lởn vởn chờ đợi hắn tại khúc đường cong. Một người đàn ông nâng khẩu súng tiểu liên của mình lên và bóp cò, nhưng súng bị kẹt đạn.
Linh tính mách bảo, Heydrich nhanh chóng rút súng của mình và bắn thẳng về nơi phát ra tiếng súng. Nhưng không may cho hắn, “sát thủ” thứ 2 đã tung quả lựu đạn về phía hắn, mảnh bom bắn thẳng vào hàng ghế xe hơi, xuyên thủng bụng của Heydrich. Chỉ 8 ngày sau khi bị ám sát, “Thần chết” Heydrich đã giã biệt cõi đời, hắn chỉ hưởng phúc đúng 38 tuổi.
Vụ tấn công thành công gây nên cái chết cho Reinhard Heydrich là vụ ám sát thành công duy nhất vào quan chức cao cấp của Đức Quốc xã trong suốt 12 năm cầm quyền của tổ chức này. Trước đó, cuộc sống của nhân vật Reinhard Heydrich đã được khắc họa khá rõ nét qua sách báo, phim ảnh.
Tuy nhiên, cho mãi đến nay, đã 71 năm sau ngày Heydrich qua đời, chưa từng có một cuốn tiểu sử nào về kiến trúc sư mưu sát hàng loạt “máu lạnh” này lại có thể đáp ứng các tiêu chuẩn học thuật cao. Sử gia người Đức Robert Gerwarth lần đầu tiên đã công bố tính chân thực về nhân vật này.
Cuốn tiểu sử về Heydrich mới nhất của ông hiện chỉ có bản viết bằng tiếng Đức, đã cung cấp những phát hiện đáng ngạc nhiên và những giải thích chân thực về công cuộc nghiên cứu các tội phạm Đức Quốc xã. Robert Gerwarth, Giáo sư sử học tại Cao đẳng Đại học Dublin, tiết lộ rằng ở con người của Reinhard Heydrich không hề có tư tưởng cuồng tín và chống phá Do Thái ở thời kỳ đầu. Nhà ngoại giao Thụy Điển, Carl J. Burckhardt đã châm biếm gọi Heydrich là “Thần Chết trẻ con” vì hình dung trẻ trung của hắn.
Robert Gerwarth viết rằng ở điểm xuất phát ban đầu, Heydrich là người ít quan tâm đến chính trị và tư tưởng bấp bênh, tính ác của hắn ta không hình thành mãi cho đến khi tham gia vào lực lượng SS. Không giống như các thành viên khác của SS, sử gia Gerwarth tin rằng Heydrich đã trở thành một phần của Đảng Quốc xã của Hitler và cỗ máy hủy diệt thông qua một cách tiếp cận khá kỳ lạ: đó là hắn ta bị ảnh hưởng mạnh bởi lời xúi giục từ người vợ của mình.
Reinhard Heydrich
Ban đầu, Reinhard Tristan Eugen Heydrich muốn tiếp bước con đường của cha vào sự nghiệp âm nhạc. Ít nhất đó là ước nguyện của ông Bruno Heydrich – cha của Reinhard Heydrich – giám đốc của một nhạc viện và là nhà soạn nhạc của những vở Opera nổi tiếng.
Mặc dù có tài năng âm nhạc, Reinhard Heydrich lại hay bộc lộ năng khiếu thể thao của mình. Sau khi hoàn thành bậc trung học, Heydrich gia nhập Hải quân Đức với ước mơ sẽ được thăng tiến trong hàng ngũ để trở thành một Đô Đốc.
Tiết lộ mới về con người mang linh hồn “thần chết”
Sự nghiệp của Heydrich trong lực lượng Hải quân đã kết thúc đột ngột vào năm 1931 với cấp bậc Trung Úy thứ nhất. Một năm trước đó, năm 1930, Heydrich đã đính hôn với một thiếu nữ 19 tuổi tên là Lina von Osten. Heydrich đã gửi một lá thư cho một người bạn gái khác và thông báo rằng hắn ta đã đính hôn từ trước và không thể tiến tới hôn nhân với người bạn gái này được.
Nhưng cha của người con gái đó cảm thấy bị xúc phạm bởi hành vi của Heydrich, và ông đã yêu cầu toà án Hải quân phải xử vụ này nhằm đòi lại danh dự cho gia đình ông. Người đứng đầu Hải quân Đức khi đó là Đô đốc Erich Raeder, xác nhận rằng hành vi của Heydrich “không xứng đáng” với tư cách của một sĩ quan, vì thế Heydrich đã bị tước quân hàm vào ngày 30 tháng 4 năm 1931.
Mặc dù bị hủy bỏ tiền trợ cấp từ Hải quân, nhưng Heydrich cũng được nhận một khoản tiền trợ cấp tạm thời vào khoảng 200 Reichsmark (tiền thời Hitler) mỗi tháng trong suốt 2 năm. Theo sử gia Robert Gerwarth, vì thấy thương hại cho bản thân, Heydrich đã tự giam mình trong phòng và khóc suốt ngày.
Heydrich hoàn toàn có đủ khả năng để tìm kiếm một công việc hấp dẫn như huấn luyện viên thuyền buồm tại một trường du thuyền. Nhưng Heydrich bác bỏ những khả năng này, nói rằng mình không muốn trở thành “một thằng đầy tớ hầu hạ cho đám trẻ con nhà giàu”. Theo sử gia Gerwarth, mặc dù nghèo đói, nhưng Heydrich không muốn làm trò giải trí vì “không muốn đánh mất tư cách của một sĩ quan hải quân vì những trò ngớ ngẩn”.
Thay vào đó, Heydrich chuyển hướng sang vị hôn thê của mình như là một chỗ dựa vững chắc. Lina von Osten là một người phụ nữ không mấy có niềm tin chính trị, nhưng lại là người có cảm tình sâu sắc với Đảng Quốc xã và có thái độ chống Do Thái.
Vào thập niên 1970, bà Lina von Osten viết trong hồi ký của mình: “Chúng tôi cảm thấy bị khiêu khích bởi những người Do Thái, và chúng tôi cảm nhận rằng chúng tôi chỉ đơn giản là không ưa họ”. Thực vậy, trong những tuần đầu tiên của thời kỳ làm quen, Lina rất buồn khi bà biết rằng Heydrich chưa bao giờ đọc quyển sách “Mein Kampf” (“Cuộc đấu tranh của tôi”) của Adolf Hitler.
Mặc dù sử gia Gerwarth kết luận rằng tầm ảnh hưởng của Lina von Osten và cha mẹ của bà đã tác động đến Heydrich có thể là “hầu như không bị phóng đại” và rằng nó đóng vai trò như là “sự thức tỉnh chính trị” đối với Heydrich, xét cho cùng chìa khoá ảnh hưởng đến sự nghiệp của Heydrich chủ yếu đến từ mẹ của hắn ta, người đã đẩy hắn ta tiếp cận gần hơn với đảng của Hitler.
Cả mẹ và vị hôn thê của Heydrich đều nghĩ rằng một chiếc ghế trong Đảng Quốc xã sẽ là phù hợp đối với hắn ta, nhưng ngay từ ban đầu Heydrich đã tỏ rõ sự ngần ngại của mình. Nếu Heydrich làm điều đó, hắn ta muốn có một trong những “vị trí lãnh đạo” và rằng chiếc ghế này chỉ có trong hàng ngũ của Heinrich Himmler, một cái ghế nhỏ nhưng cao quý của SS.
Mặc dù là một nhóm bán quân sự cơ bản nhất nằm trong phong trào Đức Quốc xã, nhưng SS tại thời điểm đó lại đặt dưới sự giám sát của tổ chức quyền lực SA (hay Sturmabteilung), mà các thành viên thường được biết đến dưới cái tên “Đảng viên Đảng Đức Quốc xã”.
Sự thực là Heydrich đang chịu một áp lực, sử gia Gerwarth kết luận. Tuy nhiên trước khi bắt đầu vị trí trong lực lượng SS, đầu tiên Heydrich muốn trở thành thành viên của Đảng Quốc Xã Đức. Nghĩ là làm một cách nhanh chóng, hắn ta trở thành thành viên mang số 544.916.
Vào ngày 14 tháng 6 năm 1931, Heinrich Himmler đã gặp gỡ Heydrich dưới cái vỏ khá ấn tượng như là quan chức tình báo cao cấp tại căn cứ biển Ban-tích của Hải quân Đức. Tại thời điểm đó, Heinrich Himmler đang muốn tìm kiếm một ai đó có thể giúp hắn ta thành lập một mạng lưới gián điệp cho SS và bằng cách mở rộng Đảng Quốc Xã Đức.
Himmler cho Heydrich 20 phút để phác thảo một kế hoạch tổ chức cho một sứ mạng tiếp cận thông tin tình báo trong tương lai. Mặc dù kinh nghiệm của Heydrich chỉ bắt đầu như một nhà điều hành phát thanh thế nhưng hắn ta chấp nhận thách thức, hắn ta nặn óc nhớ lại tất cả những gì đã đọc được trong các câu chuyện do thám và gián điệp từ khi còn là một cậu bé và “đặt các ý tưởng của mình xuống một trang giấy bằng các thuật ngữ quân sự mà hắn ta khá quen thuộc”, theo tiết lộ của sử gia Gerwarth.
Heinrich Himmler vui mừng với bản kế hoạch do Heydrich vẽ ra và cử hắn giữ chức người đứng đầu của “Ic-Dienst”, đơn vị này sau đó trở thành SD, chính là cơ quan tình báo của SS và Đảng Quốc xã. Vị hôn thê của Heydrich, người mà sau đó được Heydrich chính thức làm đám cưới, đã viết rằng: “Đó là giờ phút hạnh phúc nhất trong đời tôi, cho cuộc sống của chúng tôi”.
Heydrich bắt đầu nhận khoản lương tháng chỉ 180 Reichmark, thấp hơn cả mức lương của người lao động có tay nghề. Nhưng hắn không quan tâm lương cao hay thấp mà chính là chức vụ đang giữ, khiến cho hắn có thể lấy lòng với gia đình vợ Lina von Osten.
Heydrich trở thành ngôi sao của phong trào, người chuyên nhúng tay vào những công việc bẩn thỉu. Hắn ta hăng say làm việc ở thời kỳ đầu của SD, cảnh sát chính trị Bavaria và lực lượng Gestapo Phổ, hay cảnh sát mật.
Ở tuổi 35, Heydrich trở thành người đứng đầu Chánh văn phòng an ninh chính của Đệ Tam Đức quốc xã, một cơ quan nhà nước có quyền khủng bố, đàn áp nhằm đảm bảo sự kiểm soát hoàn hảo của Đức Quốc Xã – và cũng nhúng tay vào các vụ thảm sát người Do Thái kinh hoàng.
Ngay sau vụ ám sát Heydrich, Đức Quốc Xã đã tiến hành một trong những vụ báo thù kinh tởm và nhục nhã nhất bằng cách san bằng 2 thị trấn của Séc là Lidice và Ležáky. Hàng ngàn cư dân đã bị giết hại hoặc bị lùng bắt và giam chặt trong các trại tập trung tử thần. Nhưng dù sao họ biết rằng cũng đã loại được mối nguy mang tên Reinhard Heydrich.