- Năm 1951, ở độ tuổi 70, dù bắt đầu trở nên mù lòa, Đỗ Nguyệt Sinh vẫn cho rằng mình có thể trở về đại lục. Tuy nhiên, trong lúc đang lên kế hoạch để trở về thì Đỗ Nguyệt Sinh chết vì bệnh tại Hồng Kông. Cuộc đời của “hoàng đế Thượng Hải” đã kết thúc trong sự cô quạnh của cuộc sống lưu vong…
“Hoàng đế Thượng Hải”
Đỗ Nguyệt Sinh sinh tháng 8 năm 1988 tại thị trấn Cao Kiều, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Từ khi Đỗ mới lên 2, cha mẹ Đỗ đã lần lượt qua đời. Đỗ được mẹ kế rồi cậu ruột nuôi nấng. Tới năm 14 tuổi, Đỗ Nguyệt Sinh tới xin học việc tại một cửa hàng bán hoa quả trong tô giới Pháp tại Thượng Hải.
Do suốt ngày chơi với những kẻ lưu manh, du thủ du thực nên không lâu sau đó, Đỗ Nguyệt Sanh bị đuổi khỏi cửa hàng bán hoa quả. Đỗ tới xin làm việc tại một cửa hàng hoa quả khác. Cũng trong thời gian này, Đỗ Nguyệt Sinh nhận Trần Thế Xương của Thanh Bang làm “đại ca”.
Lúc bấy giờ, Trần Thế Xương là người cầm đầu đám lưu manh ở khu cửa Đông của Thượng Hải. Nhờ mối quan hệ với Trần Thế Xương, Đỗ Nguyện Sinh có được cơ hội vào làm tại Công quán của Hoàng Kim Vinh - “đầu não” của Thanh Bang tại Thượng Hải lúc bấy giờ.
Là một kẻ giảo hoạt, lại giỏi đoán ý người khác, Đỗ Nguyệt Sinh nhanh chóng được “ông trùm” xã hội đen Thượng Hải khi đó là Hoàng Kim Vinh để ý cất nhắc. Vợ của Hoàng cũng là một nhân vật có quyền lực trong giới xã hội đen và cũng để mắt đến chàng trai trẻ này (có người nói họ có quan hệ tình ái).
Chính vì thế, không lâu sau đó, Đỗ Nguyệt Sinh trở thành thân tín của Hoàng Kim Vinh. Từ một tay sai vặt, Đỗ Nguyệt Sinh trở thành người phụ trách hoạt động buôn bán ma túy cũng như kinh doanh sòng bạc Câu lạc bộ Công Hưng - một trong 3 sòng bạc lớn nhất tại Thượng Hải lúc bấy giờ. Nhờ sự ranh ma, giỏi cấu kết với các thế lực quân phiệt, Đỗ Nguyệt Sinh nhanh chóng trở thành một nhân vật thế lực nhất trong giới buôn bán ma túy tại Thượng Hải.
Tới tháng 7 năm 1925, Đỗ Nguyệt Sinh dưới sự bảo lãnh của quân phiệt Thượng Hải, thành lập Công ty Tam Hâm, lũng đoạn thị trường vận chuyển và buôn bán thuốc phiện Thượng Hải. Từ đây, Đỗ Nguyệt Sinh cùng với Hoàng Kim Vinh, Trương Tiêu Lâm trở thành “ba ông trùm của Thượng Hải”.
Các đường dây buôn bán thuốc phiện của Đỗ nhờ sự bảo lãnh của chính quyền nên tiến sâu vào thị trường của Đế quốc Pháp. Tô giới Pháp tại Thượng Hải khi đó do chính quyền Pháp tại Hà Nội quản lý chứ không phải do Paris quản lý. Điều này đã tạo thành một đường dây vận chuyển thuốc phiện từ Thượng Hải tới Hà Nội, Sài Gòn cho tới Malaysia.
Trong số 3 ông trùm của Thượng Hải lúc bấy giờ, người ta thường nói: “Hoàng Kim Vinh tham tiền, Trương Tiêu Lâm giỏi đánh đấm, còn Đỗ Nguyệt Sinh giỏi quan hệ”. Điều đó cho thấy, so với Hoàng Kim Vinh và Trương Tiêu Lâm thì thủ đoạn của Đỗ Nguyệt Sinh cao hơn một chút.
Đỗ rất giỏi trong việc điều hòa mối quan hệ giữa các thế lực xã hội đen cũng như mối quan hệ với các thế lực quân phiệt. Ngoài ra, Đỗ cũng kết giao rộng rãi với những danh sĩ nổi tiếng, có uy tín trong dân chúng. Nhờ vậy, địa vị của Đỗ Nguyệt Sinh càng ngày càng lên cao.
Đỗ Nguyệt Sinh
Tuy nhiên, Đỗ Nguyệt Sinh chỉ thực sự trở thành ông trùm thống trị Thượng Hải khi Hoàng Kim Vinh bị cảnh sát Thượng Hải bắt. Lúc đó, Hoàng Kim Vinh đã công khai đánh con trai của một viên quân phiệt Thượng Hải do tên này trêu ghẹo người vợ trẻ của mình nên đã bị trả thù. Sau đó, phải nhờ tới tài ngoại giao và tiền bạc của Đỗ Nguyệt Sinh, Hoàng Kim Vinh mới thoát được. Sau khi được thả, Hoàng Kim Vinh đã quyết định nhường lại đế chế ngầm của mình cho Đỗ.
Sau khi nắm được thế lực từ Hoàng Kim Vinh, Đỗ Nguyệt Sinh thực sự trở thành ông trùm lớn nhất tại Thượng Hải. Từ đây, Đỗ Nguyệt Sinh như hổ mọc thêm cánh, Đỗ kiểm soát tất cả các hoạt động cờ bạc, mại dâm và bắt cóc tống tiền, cũng như lập ra một loạt các công ty hợp pháp như tập đoàn tàu thủy lớn nhất Thượng Hải và 2 ngân hàng. Thế lực của Đỗ Nguyệt Sinh gần như bao trùm mọi lĩnh vực tại Thượng Hải và người ta bắt đầu gọi Đỗ là “hoàng đế Thượng Hải”.
Cuộc sống lưu vong
Dù là kẻ ngoài vòng pháp luật nhưng về chính trị, Đỗ Nguyệt Sinh rất bảo thủ kiểu Nho giáo. Ông có quan hệ thân thiết với Tưởng Giới Thạch và Tưởng cũng có những mối quan hệ với Thanh Bang và các tổ chức ngầm khác trong những năm đầu tiên sau khi đến Thượng Hải.
Hai bên thiết lập liên minh chính trị trong những năm 1920, đến mức Đỗ tích cực ủng hộ vụ Thảm sát Thượng Hải 1927. Vụ thảm sát đánh dấu sự chấm dứt Liên minh Quốc - Cộng lần thứ nhất, và Tưởng thưởng cho Đỗ chức Chủ tịch Ủy ban chống thuốc phiện toàn quốc. Kết quả là Đỗ kiểm soát toàn bộ thị trường thuốc phiện toàn Trung Hoa.
Thanh Bang của Đỗ Nguyệt Sinh ủng hộ tài chính và vũ khí cho Chính phủ Quốc dân, thậm chí còn tặng cả một chiến đấu cơ Junkers 87 của Đức với huy hiệu của Ủy ban chống thuốc phiện. Để trả công, Đỗ được quyền khống chế các công đoàn và kiểm soát việc kinh doanh. Năm 1936, Đỗ còn dựng cả đền thờ riêng cho gia tộc ông ta và tổ chức một bữa tiệc khánh thành 3 ngày liền.
Đó là một trong những lễ khánh thành hoành tráng nhất Thượng Hải, với hàng trăm nhân vật tiếng tăm trong chính quyền và xã hội tham dự. Nhưng chỉ vài tháng sau, khu nội điện trong đền trở thành nơi sản xuất thuốc phiện, là nhà máy sản xuất ma túy lớn nhất Thượng Hải.
Năm 1937, khi Chiến tranh Trung - Nhật bùng nổ, Đỗ Nguyệt Sinh ban đầu đề nghị đánh quân Nhật bằng cách tự đánh chìm đội thuyền của mình ở cửa sông Dương Tử nhưng sau đó trốn sang Hồng Kông rồi đến Trùng Khánh. Thanh Bang phối hợp với lực lượng của Đới Lạp - trùm đặc vụ của Tưởng, tiếp tục buôn lậu vũ khí và hàng hóa cho phe Quốc dân đảng trong suốt chiến tranh.
Sau khi Nhật Bản đầu hàng năm 1945, Đỗ trở về Thượng Hải, hi vọng được nghênh đón nồng nhiệt, nhưng bị sốc khi nhận ra rằng mình không được đón chào như một anh hùng. Nhiều người Thượng Hải cho rằng Đỗ đã bỏ rơi thành phố và nhân dân, để mặc họ chịu đựng sự tàn bạo của quân chiếm đóng Nhật. Chính vì thế, mặc dù vào năm 1946, Đỗ đắc cử trong cuộc bầu cử Thị trưởng Thượng Hải nhưng sau đó đã phải từ chức.
Quan hệ giữa Tưởng và Đỗ ngày càng xấu đi sau Thế chiến II, khi nạn tham nhũng và tội ác của các chính trị gia cao cấp và các băng đảng xã hội đen ngày càng đe dọa nghiêm trọng đến nội bộ Quốc dân đảng. Con trai Tưởng Giới Thạch là Tưởng Kinh Quốc tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng tại Thượng Hải cuối những năm 1940, và những người thân của Đỗ nằm trong số người bị bắt đầu tiên.
Dù Đỗ cứu được đồng bọn nhờ vạch ra những thương vụ phi pháp của Khổng Lệnh Khản - cháu trai của Tống Mỹ Linh, vợ Tưởng. Việc chính quyền Quốc dân Đảng bỏ tù con trai Đỗ là dấu chấm hết cho “thời kỳ trăng mật” giữa Tưởng và Đỗ.
Năm 1949, Quốc dân Đảng thất bại trong cuộc nội chiến với Đảng Cộng sản, phải chạy ra Đài Loan. Tuy nhiên, Đỗ Nguyệt Sinh không chạy theo chính quyền Quốc dân Đảng mà bỏ sang Hồng Kông. Có nhiều giả thuyết khác nhau về cuộc sống của Đỗ trong những năm cuối đời. Một số cho rằng Đỗ đã phải trải qua những tháng ngày khó khăn trong một khu ổ chuột. Một giả thuyết khác lại cho rằng Đỗ đã gây dựng được một nguồn quỹ riêng đáng kể để chi dùng cho những năm cuối đời.
Năm 1951, ở độ tuổi 70, dù bắt đầu trở nên mù lòa, Đỗ Nguyệt Sinh vẫn cho rằng có thể trở về đại lục. Tuy nhiên, trong lúc đang lên kế hoạch để trở về thì Đỗ Nguyệt Sinh chết vì bệnh tại Hồng Kông. Cuộc đời của “hoàng đế Thượng Hải” đã kết thúc trong sự cô quạnh của cuộc sống lưu vong.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét